Lẩu cua đồng là món ăn dân dã của người miền Tây. Vùng đồng bằng sông Cửu Long này là vùng có sản lượng lúa lớn nhất trong cả nước chính vì vậy là con cua đồng ở nơi đây có rất nhiều. Vì vậy mà người dân nơi đây mới sáng tạo, chế biến rất nhiều món ăn từ cua đồng trong đó lẩu cua đồng hải sản được xem là đặc sản ngon nhất của vùng sông nước miền Tây nam bộ.
Vị thơm ngon béo ngậy của cua đồng, vị ngọt thanh của các loại hải sản, hương vị đậm đà mang nết chất phát của con người miền Tây đã làm say đắm biết bao nhiêu con người khi đã ăn qua.
Thường thì người miền Tây chỉ nấu món ăn này trong các bữa tiệc, để đãi khách, các đám giỗ, cưới hỏi hay thỉnh thoảng trong bữa cơm gia đình để thay đổi khẩu vị.
Dần dần món ăn này trở nên phổ biến vì hương vị thơm ngon đặc biệt và trở thành món ăn ngon có trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng ở khắp các tỉnh thành phía nam của nước ta và được biến tấu ra nhiều kiểu lẩu cua đồng khác nhau.
Tuy cua đồng có rất ít thịt so với các loại cua khác nhưng khi được giã nhuyễn và vắt lấy nước cốt để nấu lẩu thì rất ngọt nước, thơm béo mang một nét đặc trưng rất riêng biệt, khiến cho người ăn khó mà quên được hương vị đó.
Nguyên liệu nấu lẩu cua đồng hải sản
- Cua đồng: 500gr
- Xương ống heo: 500 gr
- Thanh cua: 100gr
- Tôm sú hoặc tôm thẻ: 300gr
- Nghêu: 300gr
- Xương gà: 500gr
- Ghẹ: 2 con
- Cá chẽm phi lê: 300gr
- Mực ống: 300gr
- Tỏi: 10gr
- Hành lá: 2 cây
- Sả: 2 cây
- Khế chua: 2 trái
- Đậu hũ non: 250gr
- Cà chua: 2 trái
- Gừng: 30gr
- Hành tím: 3 củ
- Gia vị: hạt nêm, bột ngọt, đường, muối, nước mắm, mắm tôm, dầu ăn, dấm, dầu điều
- Các loại rau ăn kèm: Mướp hương, bông bí, rau nhút, rau mồng tơi, rau muống
Sơ chế nguyên liệu
Sơ chế nguyên liệu, nấu nước dùng
Xương ống heo, xương gà các bạn rửa qua nước sạch, sau đó trần qua nước đang đun sôi trong khoảng 4-5 phút rồi rửa lại lần nữa với nước sạch để loại bỏ, bụi bẩn bám trên xương và khử mùi tanh của chúng.
Sau đó lấy một cái nồi lớn bắt lên bếp cho xương ống heo và xương gà vào rồi đổ khoảng 4-5 lít nước tùy số lượng người ăn mà bạn cho nước nhiều hay ít, rồi bật bếp hầm xương khoảng 1 giờ.
Trong thời gian hầm xương chúng ta sơ chế các nguyên liệu khác để tiết kiệm thời gian.
Sơ chế cua đồng
Cua đồng bạn bóc bỏ yếm cua rồi dùng bàn chải hoặc miếng chà nồi chà sạch lớp bùn đất, chất nhớp bên ngoài của cua, tách riêng phần mai cua và thân cua ra.
Phần mai cua, bạn dùng muỗng cạo lấy gạch cho vào tô để riêng. Phần thân cua bạn cắt ngắn chân, bỏ mang cua rồi rửa sạch cho vào cối giã nhuyễn.
Tiếp theo bạn cho khoảng nửa lít nước vào phần cua đã giã nhuyễn khuấy đều rồi dùng rây lọc lấy phần nước cốt cho vào tô, rồi tiếp tục hòa phần xác cua đã lọc với nửa lít nước và lọc qua rây để lấy thêm phần nước cốt lần 2 rồi cho vào phần nước cốt trước để riêng.
Sơ chế hải sản
Tôm bạn hãy cắt phần gai nhọn trên đầu và để nguyên con hoặc có thể bỏ đầu, bỏ chỉ đen trên lưng. Mực ống các bạn có thể cắt thành những khoanh tròn mỏng hoặc cắt thành những lát ngỏ vừa ăn.
Cá chẽm cắt thành những lát mỏng thanh cua cắt làm đôi. Sau đó đem tất cả rửa sạch, để ráo nước rồi xếp từng loại vào một cái dĩa lớn.
Ghẹ rửa qua nước sạch để nguyên con xếp vào chung dĩa. Hoặc có thể tách bỏ mai, mang, yến chỉ để lại phần thân và càng (tùy bạn thích làm thế nào cũng được).
Thịt bò thì các bạn nên mua theo khối sau đó rửa qua nước sạch rồi cắt thành những lát mỏng và xếp vào dĩa hai sản.
Sơ chế nguyên liệu khác
Tỏi bóc vỏ đập dập để riêng vào chén nhỏ. Hành tím bóc vỏ, băm nhỏ cho ra một cái chén nhỏ.
Sả cắt thành những khúc ngắn và đập dập. Đậu hũ non chia thành 6 phần nhỏ. .Gừng gọt vỏ, cắt thành lát mỏng. Khế rửa qua nước sạch, cắt bỏ hai đầu và các cạnh, sau đó cắt thành những lát mỏng. Cà chua rửa sạch, cắt múi cau và bỏ hạt.
Nấm kim châm cắt gốc, rửa sạch. Các loại rau thì cắt bỏ gốc, loại bỏ những là bị úa vàng, dập, sau đó rửa sạch và để ráo nước rồi.
Đối với mướp hương thì gọt vỏ ngoài rồi rửa qua nước rồi cắt thành những lát nhỏ vừa ăn. Sau đó xếp từng loại vào dĩa lớn và cho vào ngăn mát của tủ lạnh.
Bún tươi khi mua về bạn nên cho ra một cái dĩa, tô lớn để vào trong ngăn mát của tủ lạnh.
Các bước nấu lẩu cua đồng hải sản
Xào gạch cua, rau củ
Bắt chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào. Dợi dầu nóng ½ phần hành tím băm vào phi thơm, cho gừng sả, cà chua vào xào sơ. Sau đó cho tất cả ra tô.
Lau khô chảo rồi cho 1 ít dầu ăn vào đun nóng dầu thì cho phần hành tím băm còn lại, tỏi đập đập vào phi thơm thì cho gạch cua đồng vào xào chín và cho dầu điều vào để có màu sắc bắt mắt hơn.
Nấu nước dùng lẩu
Sau khi sơ chế các loại nguyên liệu và xào gạch cua, rau củ xong thì, các bạn hãy quay sang nồi nước hầm xương lúc nãy nêm một ít gia vị như hạt nêm, bột ngọt, đường, muối vào. Dợi đến khi đủ thời gian hầm thì vớt xương gà và xương ống heo ra.
Sau đó cho đậu hủ non, gạch cua, phần rau củ đã xào trước đó vào nồi nước dùng nêm nếm lại gia vị. Cho một ít nước mắm và mắm tôm vào cho dậy mùi. Nêm nếm phù hợp với khẩu bị của bạn thì tắt bếp.
Chia phần nước dùng ra làm 2, một phần bạn cho ra nồi lẩu nhỏ để ăn tại bàn. Phần còn lại thì để trong nồi làm nước dùng châm thêm vào lẩu khi bạn ăn bị thiếu nước dùng.
Nấu lẩu cua đồng hải sản tại bàn
Chuẩn bị sẵn một bếp gas mini, bếp cồn hoặc bếp điện tại bàn ăn. Lấy nồi nước dùng đã lúc nãy cho vào nồi lẩu, đặt lên bếp và đun sôi.
Dọn tất cả các nguyên liệu hải sản, thịt bò, rau, nấm, mướp, bún tươi để trong tủ lạnh ra bàn. Khi nồi nước lẩu sôi thì các bạn cho tất cả các loại hải sản vào nồi.
Đợi nước sôi lại lần nữa thì lấy các loại rau, nấm, thịt bò nhúng vào nước lẩu. Khi thịt bò và các loại rau vừa chín tới thì nên vớt ra dĩa nhỏ. Ăn tới đâu thì nhúng tới đó vì nếu để lâu trong nồi lẩu các loại rau sẽ bị mất dinh dưỡng. Thịt bò sẽ bị khô ăn sẽ không được ngon.
Nhớ ngắt rau nhỏ ra trước khi nhúng nhé, để khi ăn được gọn gàng hơn.
Cho một ít bún tươi, chan nước lẩu vào, mùi thơm ngây ngất tỏa ra. Húp một miếng thì ấm lòng biết bao, thêm một ít hải sản, một ít rau kết thì làm sao mà tả hết cảm giác được.
Còn chần chừ gì mà không bắt tay vào nấu ngay một nồi lẩu cua đồng hải sản thơm ngon, đậm đà để quây quần cùng gia đình và bạn bè đi nào.
Mẹo để nồi lẩu hải sản cua đồng thơm ngon
Khi chọn mua cua đồng thì hãy mua vào những ngày đầu hoặc cuối tháng để có thể mua được cua béo và chắc thịt. Những ngày giữa tháng nhất là gần với ngày trăng trong cua sẽ bị ốp thịt và không ngon.
Khi chọn mua các loại hải sản như nghêu thì phải chọn mua những con những con còn sống nhé. Nghêu đã chết sẽ ăn không ngon và sẽ có mùi hôi. Các loại hải sản như tôm, ghẹ, cá, mực thì phải thật tươi để món lẩu của bạn ngon và đậm vị hơn.
Khi nấu nước dung bạn nên nêm nếm nhạt đi một chút, để khi cho hải sản vào thì nước lẩu sẽ vừa ăn, chuẩn bị sẵn một chén nước mắm nguyên chất có ớt xắt để chấm với các nguyên liệu có trong lẩu hoặc cho những ai ăn mặn có thể thêm mắm để vừa khẩu vị của họ.